Tư vấn

THIẾT KẾ THẨM MỸ NHÀ Ở CÁ NHÂN

Để đánh giá được một cách khách quan thẩm mỹ một ngôi nhà là việc rất khó, để tránh những xung đột trong tranh luận các hệ quy chiếu sẽ được quy đồng để có cơ sở đánh giá chung. Chúng ta cùng tìm hiểu về hệ quy chiếu quy đồng xây dựng dựa trên 5 tiêu chí S.M.I.L.E nhé.

Để lượng hóa việc đánh giá thẩm mỹ một ngôi nhà là việc rất khó, bởi những quan điểm khác nhau của những chủ thể khác nhau, đóng vai trò như những hệ quy chiếu khác nhau.

Vì vậy, để đánh giá được một cách khách quan, tránh những xung đột trong tranh luận, các hệ quy chiếu sẽ được quy đồng để có cơ sở đánh giá. Hệ quy chiếu quy đồng này có thể được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí S.M.I.L.E như sau:

I. S – Simple – tính đơn giản (nhưng hiệu quả)
Để thực hiện được yếu tố này lại không hề đơn giản. Thực tế cho thấy đơn giản dễ bị đánh đồng với đơn điệu. Cuộc đời một con người có số lần làm nhà hay mua nhà không nhiều nên họ luôn cố đầu tư vào vẻ đẹp ngôi nhà bằng cách “kết hợp” các phong cách mình yêu thích, “đắp” vô điều kiện những thứ (vật liệu) đắt tiền, quý hiếm hay những chi tiết cầu kỳ, dẫn đến sự rối rắm, hỗn loạn trong ngôn ngữ, màu sắc, đường nét và thời đại.

Để đạt được đơn giản nhưng hiệu quả về thẩm mỹ, điều này phụ thuộc vào 2 chủ thể:
(1) nguồn gốc, văn hóa, kinh tế, tuổi tác… của chủ nhà
(2) tay nghề, quan điểm, kinh nghiệm… của người thiết kế. Vẻ đẹp đơn giản của kiến trúc hiện đại không nghiêng về sự trang trí mà dung hòa hợp lý giữa công năng và hình thức. Nói cách khác, mỗi chi tiết, vật liệu, màu sắc, đường nét… sử dụng không chỉ đáp ứng duy nhất mục đích “để cho đẹp” mà còn phải được lý giải bằng những mục đích khác.

II. M – Memorable – tính “dễ nhớ” – Suy cho cùng, tất cả những sáng tạo nghệ thuật đều hướng đến những tác phẩm có sự khác biệt, cá tính, giúp phân biệt nó với đám đông, tức là có thể nhận ra và lưu được vào trí nhớ người cảm thụ. Để làm được điều này, khi thiết kế nhà ở cần có ý tưởng.
Tuy nhiên, việc đánh giá ý tưởng đôi lúc lại phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm chủ quan, bởi biên độ sáng tạo trong mỗi người là khác nhau, đặc biệt là giữa những người thiết kế (vốn được đào tạo cách thức sáng tạo một cách “bài bản”) với những người không hoạt động trong nghề thiết kế (vốn (“sáng tạo” theo bản năng, năng khiếu có sẵn). Tính “dễ nhớ” – M thường được kết nối với tính “dám làm” – E, có thể tạo ra tính “thú vị” – I theo cả chiều tích cực lẫn tiêu cực.

III. I – Interesting – tính thú vị – Yếu tố chủ yếu tạo nên cảm xúc cho người cảm thụ, sự thi vị của nhà ở được xem xét nhiều hơn dưới góc độ là một tác phẩm nghệ thuật. Tính thú vị được tạo ra cũng còn do bởi các phương tiện biểu hiện thẩm mỹ nhà ở (tỷ lệ, hình khối, bố cục, chất/vật liệu, công nghệ xây dựng…) được sử dụng một cách uyển chuyển, khéo léo, tình cảm, “có tâm”, ẩn chứa những ý đồ, ý tưởng của tác giả kiểu “ý tại ngôn ngoại” mang lại sự đa nghĩa cho kiến trúc nhà ở.

Trong một số trường hợp, sự “thú vị” lại do sự khác lạ, đôi khi là ngược với suy nghĩ phổ thông của mọi người, tuy nhiên cần phải xác định “ngược” ở mức độ nào để có thể tạo nên hiệu quả tích cực, nếu không sẽ chuyển về trạng thái tiêu cực (thấy “thú vị” nhưng không ai dám làm theo).

 IV. – Linked to – tính kết nối – Thể hiện qua mối quan hệ, kết nối giữa ngôi nhà với thế giới xung quanh cả về không gian và thời gian, thường thể hiện rõ nhất qua sự tương đồng (kết nối sơ cấp, phổ thông). Tuy nhiên, cũng cần phải được hiểu rộng ra, đó có thể là sự tương phản nhưng vẫn đảm bảo không tách biệt. Có thể phân biệt 2 loại kết nối của nhà ở:
(1) Kết nối vật lý – là kết nối ngôi nhà với bối cảnh môi trường, địa hình – địa mạo, các hình thái kiến trúc xung quanh, tạo nên tính liên tục của không gian (định vị ngôi nhà trong không gian)
(2) Kết nối phi vật lý – là kết nối được tạo ra bởi tính thời đại, đương đại (định vị ngôi nhà trong thời gian). Sự kết nối thể hiện rõ nhất tinh thần của chủ nhà hay người thiết kế ngôi nhà – tách biệt để khẳng định vị thế, nhấn mạnh cái đẹp cá nhân hay hòa hợp để tạo nên một cái đẹp tổng thể.

V. E – Enterprising – tính “dám làm” – Thể hiện qua sự mạnh dạn của các chủ thể trong việc tạo dựng cá tính, thẩm mỹ riêng cho ngôi nhà, đến từ các ý đồ thiết kế, cách tiếp cận kiến trúc “lạ”, “không giống ai”, cũng có thể là những chi tiết, yếu tố kiến trúc được xử lý một cách bất ngờ, “khác thường” có được từ thủ pháp, tay nghề của người thiết kế được thể hiện qua “kỹ năng cứng” trong việc xử lý kiến trúc công trình cũng như “kỹ năng mềm” trong việc thuyết phục các chủ thể khác.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng: Sáng tạo thì luôn cần “dám làm”, nhưng “dám làm” thì chưa hẳn đã cho ra kết quả là sáng tạo, hoặc nếu có thì “sáng tạo” theo nghĩa bóng. Trong xã hội hiện nay, đôi lúc “dám làm” lại được khai thác theo một cách khác – dám làm để nổi tiếng – chẳng hạn “dám làm” những kiến trúc “không giống ai” nhằm thu hút dư luận. Do đó, để đánh giá tính “dám làm”, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về giới hạn của “dám”. Và một khi đã “dám làm” thì cũng dám chấp nhận các luồng ý kiến trái chiều.

- HQ Paint nghiên cứu và sưu tầm -

Bài liên quan